Sức hút mới của đại ngàn Tây nguyên

Mũi nhọn năng lượng tái tạo

Ông Đinh Xuân Hà đánh giá, với tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời, Đắk Lắk đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên. Phấn đấu giai đoạn 2020 – 2025, phát triển năng lượng tái tạo đạt công suất 2.000 – 3.000 MW; giai đoạn 2026 – 2030 là 3.000 – 4.000 MW…

“Năng lượng tái tạo có thể phát triển điện gió đạt công suất khoảng 10.000 MW, điện mặt trời đạt khoảng 16.000 MWp, điện sinh khối đạt khoảng 120 MW. Với tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió, đang có một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đắk Lắk”, ông Hà thông tin.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành, Gia Lai xác định tiềm năng lớn nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo. “Nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu, khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển điện mặt trời, điện gió với quy mô khá lớn. Tỉnh sẽ chủ động đề xuất Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam sớm triển khai các dự án liên quan lưới truyền tải điện để tăng khả năng giải phóng công suất cho các dự án năng lượng tái tạo. Việc thu hút vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế của Gia Lai”, ông Thành kỳ vọng.

Hai địa phương Đắk Nông và Kon Tum cũng không muốn chậm chân trong việc thu hút các nhà đầu tư về năng lượng tái tạo, nên liên tục đề xuất xem xét, thẩm định quy hoạch nhiều dự án điện mặt trời, điện gió. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã trình Bộ Công thương xem xét, thẩm định quy hoạch 11 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 1.744 MWp; nhà đầu tư cũng đề xuất thực hiện các dự án điện gió Nam Bình 1, Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 (Đắk Song). Hiện Đắk Nông mới chỉ có 2 dự án điện mặt trời với tổng công suất 106,4 MWp được vận hành.

Tại Kon Tum, địa phương này chưa có dự án nhà máy điện gió nào được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia. Do vậy, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung 9 dự án điện gió với tổng công suất 264,7MW vào Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035. Về điện mặt trời, tỉnh Kon Tum đã chấp thuận chủ trương để các nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực 32 dự án với tổng quy mô 6.782,637 MWp.

Hiện Đắk Lắk đã có 29 dự án đăng ký đầu tư vào điện mặt trời, với tổng công suất 11.500 MWp. Đến nay, 10 dự án đã được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 960 MWp. Trong đó, đã có 5 dự án phát điện thương mại với tổng công suất 190 MWp. Về điện gió, có 47 dự án đăng ký đầu tư tại Đắk Lắk, với tổng công suất khoảng 10.000 MW. Tổng vốn đăng ký đầu tư cho những dự án năng lượng tái tạo lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Có thể thấy, cùng với những lĩnh vực là thế mạnh của Tây Nguyên như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thì năng lượng tái tạo đã gia tăng lực hấp dẫn mới cho núi rừng Tây Nguyên. Vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió này đang đứng trước vận hội lớn.

Trong khi đó, tại Kon Tum, 5 năm qua đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 184 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 20.610 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, TH… đã quan tâm triển khai dự án tại tỉnh này.

Các tỉnh Tây Nguyên đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, nguồn lực từ vốn đầu tư tư nhân đổ về đã tạo diện mạo mới cho vùng đất cao nguyên này.

Địa chỉ hút vốn đầu tư

Đầu năm 2021, Tập đoàn T&T đã đề xuất với tỉnh Đắk Lắk xây dựng 5 công trình với quy mô lớn tại TP. Buôn Ma Thuột, gồm: Khu đô thị thương mại dịch vụ Ea Tam (51,6 ha); Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại (42 ha); Dự án Khu biệt thự Ea Kao (46,1 ha); Khu sân Golf hồ Ea Kao (76,7 ha) và Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk.

Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn T&T cho biết, dự kiến, vốn đầu tư cho 5 dự án này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

TIN TỨC LIÊN QUAN