Quy hoạch Đắk Lắk mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên

Dự thảo quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển tỉnh này trên cơ sở bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phù hợp với các yếu tố đặc trưng mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên…

UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong tháng 11/2023. Dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh trong tháng 12/2023.

Tạo Thuận Lợi Để Thu Hút Đầu Tư

Ngày 24/10/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk cho biết đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị tiến hành rà soát, điều chỉnh các nội dung liên quan theo các ý kiến góp ý Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự kiến, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh xem xét, thông qua hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh trong tháng 11/2023.

Theo đó, trong quy hoạch tỉnh sẽ định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư tập trung vào việc tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư.

Song song đó, đề ra các biện pháp cải cách hành chính, tăng cường quyền lợi và bảo vệ các nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch…

Việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư là rất quan trọng để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách và hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Trên cơ sở hồ sơ quy hoạch tỉnh Đắk Lắk được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ sớm hoàn thiện lập và phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chung phát triển đô thị, các phương án sử dụng đất của các nông lâm trường chuyển về cho địa phương quản lý làm cơ sở để cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đắk Lắk cũng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, đường vành đai phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại cửa khẩu Đắk Ruê, Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân….

Phấn Đấu Đến Năm 2030 Có 31 Đô Thị

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu mối giao thông của Tây Nguyên khi có các tuyến đường quan trọng đi qua, đặc biệt đường Trường Sơn Đông nối tỉnh với các trung tâm của vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ; có cảng đường hàng không Buôn Ma Thuột… Tỉnh cũng nằm trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Đắk Lắk có quỹ đất phát triển nông nghiệp lớn, màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, điều, tiêu…

Tỉnh cũng rất giàu tiềm năng về du lịch, có các điểm du lịch sinh thái như Vườn quốc gia Yok Đôn, thác Drai Nur, thác Drai Sáp Thượng (thác Gia Long); các khu, điểm du lịch tại hồ Lắk, Buôn Đôn…

Ngoài ra, tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, một số vùng có bức xạ mặt trời thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, tốc độ và sự ổn định của gió cho phát triển điện gió.

Các phương án phát triển tỉnh Đắk Lắk- Nguồn: UBND tỉnh Đắk Lắk

Theo đó, dự thảo quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra triết lý quy hoạch đảm bảo phát triển dựa trên 3 trụ cột: môi trường – xã hội – kinh tế trên nền tảng ổn định về sinh thái môi trường, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng là sinh thái đất – nước – rừng; Bản sắc văn hóa Tây Nguyên; Nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Một trong những trọng tâm của quy hoạch là phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, y tế, dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao của tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên; tạo sự tác động lan toả trong toàn tỉnh và cả vùng.

Các trụ cột phát triển của tỉnh Đắk Lắk – Nguồn: UBND tỉnh Đắk Lắk.

Dự thảo quy hoạch cũng đưa ra phương án phát triển Đắk Lắk theo 04 hành lang kinh tế.

Cụ thể, hành lang phát triển theo hướng Bắc – Nam (QL 14, QL 27): Hành lang QL 14 tập trung phát triển các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch. Hành lang QL 27 phát triển các điểm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, điểm dịch vụ du lịch sinh thái.

Hành lang QL 29 phát triển các dịch vụ trung chuyển quốc tế của Vùng. Phát triển đô thị Đắk Ruê phục vụ phát triển kinh tế cửa khẩu, đô thị Buôn Hồ gắn các dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic…

Hành lang khu vực biên giới (QL 14C) phát triển: thương mại, trao đổi qua biên giới. Là tiền đề để có thể xây dựng khu kinh tế xuyên biên giới.

Hành lang phía Đông (QL 26) hình thành các chức năng dịch vụ du lịch và trung chuyển hàng hóa.

Về tổ chức không gian, tỉnh sẽ được quy hoạch phát triển theo 02 khu vực là đô thị và nông thôn.

Cụ thể, khu vực đô thị là động lực phát triển: đến năm 2030, Đắk Lắk hình thành một hệ thống đô thị khá cân đối, liên kết về mặt chức năng, là các hạt nhân cho phát triển không gian toàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư cho thành phố Buôn Ma Thuột đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đầu tư nâng cấp đồng bộ các đô thị Buôn Hồ và Ea Kar; Đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu quốc gia Đắk Ruê trong đó có các khu đô thị tại Đắk Ruê.

Khu vực nông thôn: là hậu phương cung ứng nguyên liệu cho chế biến và nhân lực. Xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc các dân tộc.

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Đắk Lắk đạt mức cao hơn bình quân chung cả nước. Diện tích đô thị là 77.688 ha. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đối thiểu đạt là 35%, đến năm 2030 đạt 47%. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân khu vực nông thôn đạt 22 m2 sàn/người.

Tổ chức các đô thị trên địa bàn tỉnh tạo thành một hệ thống theo mô hình: “3 vùng đô thị – 1 chuỗi – 3 điểm cực”: Vùng TP. Buôn Ma Thuột và  đô thị Buôn Hồ phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh; Vùng đô thị Ea Kar theo mô hình dải đô thị; Chuỗi đô thị liên kết: Liên Sơn – Krông Kmar tạo thành chuỗi đô thị dọc sông Krông Ana, tạo thành hành lang các trung tâm du lịch dọc theo KBTTN Nam Kar và Chư Yang Sin; Ba (03) điểm đô thị trung tâm tiểu vùng là Thị trấn Ea Súp; Thị trấn Ea Drăng; Thị trấn M’Đrắk.

Trong thời kỳ 2021-2030, hệ thống đô thị tỉnh Đắk Lắk sẽ có 31 đô thị, trong đó, TP. Buôn Ma Thuột là đô thị loại I, thị xã Buôn Hồ là đô thị loại III, có 06 đô thị loại IV, còn lại là đô thị loại V.

TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

HOTLINE: 0908.686.979

NHẬN TƯ VẤN CHI TIẾT NHỮNG DỰ ÁN ĐANG HOT TỪ CÁC CHUYÊN GIA

DỰ ÁN HOT

TÂM ĐIỂM ĐẦU TƯ