Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết đang mời gọi đầu tư vào nông nghiệp, du lịch nhưng điều kiện tiên quyết là không phá rừng.
Lạc Dương, nơi tọa lạc của núi Bidoup – được mệnh danh nóc nhà Tây Nguyên và là huyện sở hữu nhiều núi cao nhất vùng Nam Tây Nguyên, đang tích cực kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, du lịch. Tuy nhiên, địa phương thực hiện chủ trương kêu gọi các dự án đầu tư không tác động đến rừng.
“Chúng tôi sẽ cố gắng phát triển theo hướng là không sử dụng nhiều đất và theo hướng không chuyển mục đích sử dụng đất rừng để phát triển các hoạt động về kinh tế”, ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết tại tọa đàm “Tiềm năng vùng đất Lạc Dương” chiều 16/4.
Ông Hoài giải thích, toàn bộ lưu vực của huyện Lạc Dương là khởi nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai, cung cấp nước cho TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương sử dụng. Vì vậy, Lạc Dương vẫn tiếp tục chủ trương về dài hạn là duy trì độ che phủ rừng 85%, thuộc hàng cao nhất cả nước.
Đến nay, huyện đã thu hút 68 dự án đến địa bàn với tổng số vốn đăng kí 6.400 tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện 6.327 ha. UBND Lạc Dương khẳng định, tất cả dự án đều đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ rừng.
Về lợi thế đầu tư vào nông nghiệp, lãnh đạo Lạc Dương cho biết, với độ cao từ 1.500 m trở lên, huyện có lợi thế phát triển các loại rau ôn đới và á nhiệt đới theo hướng công nghệ cao. Huyện có gần 930 ha sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đạt thu nhập bình quân 300 triệu đồng một ha mỗi năm. Trong đó, diện tích trồng rau đạt 500-800 triệu và hoa là 800 triệu đến một tỷ đồng mỗi ha một năm. Thậm chí có diện tích thu được đến 2 tỷ đồng mỗi năm, như với hoa ly.
Tuy nhiên, công nghệ chế biến sau thu hoạch của huyện còn hạn chế. Toàn huyện chỉ mới có 3 công ty sơ chế, chế biến cà phê và chưa có nhà máy chế biến rau củ quả nào. “Nếu nói đất nông nghiệp thì Lạc Dương không lớn, chỉ có 15.000 ha phục vụ nông nghiệp, du lịch. Vì vậy, chúng tôi chỉ phát triển những cây trồng lợi thế, đặc biệt là thu hút đầu tư vào chế biến. Còn lại, chúng tôi dành quỹ đất để phát triển du lịch”, ông Hoài nói.
Cùng với đó, huyện này đang muốn tìm kiếm các đối tác tại thị trường lớn như TP HCM để liên kết tạo ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tạo liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm. “Chúng tôi còn thiếu liên kết và thiếu đầu ra”, ông Phạm Triều, Bí thư huyện Lạc Dương xác nhận.
“Chúng tôi lấy du lịch dã ngoại và sinh thái, gắn với cảnh quan sinh thái tự nhiên của địa phương là mũi nhọn nồng cốt, chứ không thể làm du lịch theo kiểu xây dựng đường phố sang trọng, hiện đại”, ông Phạm Triều cho biết thêm.
Đóng góp với định hướng này, bà Liêu Thị Phượng, Tổng giám đốc Charm Group cho rằng, địa phương có thể xây dựng những mô hình du lịch với những ngôi nhà nhỏ dưới tán rừng, trồng rau xanh để thu hút du khách. “Nếu đi theo hướng này, tôi nghĩ sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư”, bà Phượng nói.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch công ty du lịch Lửa Việt tán thành ý tưởng du lịch lấy rừng làm chủ đạo. Theo ông Mỹ, nơi đây phù hợp tổ chức các tour đạp xe vào rừng, ngủ lều, mô hình gardenstay, tức lưu trú tại các trang trại vườn rau, vườn trái cây nhưng phải theo hướng canh tác thuận thiên. “Ngoài ra, cần phải quan tâm đến doanh thu tính trên đầu khách để đo đếm hiệu quả của du lịch. Phải có các dịch vụ để thu hút khách đến lưu trú”, ông Mỹ nói.
Thực tế, mô hình du lịch sinh thái, gắn với cảnh quan tự nhiên đã có những thành công nhất định ở Lạc Dương. Khu du lịch Làng Cù Lần, được ông Văn Tuấn Anh đầu tư cách đây 21 năm với 200 ha trong rừng vẫn đang là điểm đến khá hút khách.
Ở năm đầu tiên ra đời, Làng Cù Lần chỉ đón khoảng 60.000 khách một năm, nhưng đến 2019, Làng Cù lần đã đón 500.000 khách mỗi năm. Ông Anh cũng là người ủng hộ chủ trương kêu gọi đầu tư không phá rừng. “Tôi cho rằng hãy giữ gìn điều tốt đẹp nhất của tự nhiên ở Lạc Dương, thì sẽ thành công”, ông nói.
Bí thư Lạc Dương, ông Phạm Triều thừa nhận huyện vẫn là vùng kinh tế khó khăn nên vẫn rất sẵn lòng chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu. Địa phương sẽ cung cấp tất cả thông tin cần thiết để doanh nghiệp xem có phù hợp hay không.
“Tỉnh Lâm Đồng cũng đã có chủ trương sẵn sàng cho chấm dứt đầu tư nếu dự án không hiệu quả hoặc để rừng bị phá nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới”, ông Triều nói về quan điểm chung của tỉnh này.
Theo VnExpress.net
TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN LIÊN HỆ
HOTLINE: 0908.686.979
TIN TỨC DỰ ÁN
DỰ ÁN NỔI BẬT
CĂN HỘ VINA2 PANORAMA
© Copyright 2017 – Đất Phố Núi